Lồng ghép chương trình giảm phát thải từ nỗ lực giảm phá rừng và suy thoái rừng (REDD+) trong quản lý và bảo vệ rừng bền vững tại Việt Nam

Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc giảm thiểu canh tác nương rẫy, hoặc cấm canh tác nương rẫy nhằm cải thiện hệ sinh thái và môi trường (Mertz và cộng sự, 2009). Tuy nhiên, việc thay thế canh tác nương rẫy bằng các hoạt động khác thực tế đã không đem lại lợi ích nhiều cho người dân địa phương, hoặc có ảnh hưởng tiêu cực đến sinh kế hộ gia đình, ảnh hưởng đến an ninh lương thực (Jakobsen và cộng sự, 2007; Ziegler và cộng sự, 2012; Hett và cộng sự, 2011; Tien và cộng sự, 2011). Ví dụ việc chuyển đổi canh tác nương rẫy sang trồng cây công nghiệp dài ngày như cao su có thể ảnh hưởng xấu đến cảnh quan dẫn đến hàm lượng carbon trong đất bị mất (Castella và cộng sự, 2013). Vì thế, nghiên cứu các chiến lược sử dụng đất gắn liền với sinh kế của người dân địa phương cũng như lồng ghép các hoạt động dịch vụ môi trường sẽ góp phần cải thiện chất lượng rừng.

Việt Nam được biết đến như một quốc gia tiên phong về REDD+ với kế hoạch hành động REDD+ Quốc gia (NRAP) được phê chuẩn vào năm 2012. Kể từ đó, Việt Nam đã thiết lập nhiều thể chế, chính sách để thực hiện REDD+. Đối với các quốc gia tham gia REDD+, câu hỏi “làm thế nào để xây dựng và thực hiện REDD+ một cách hiệu quả, hiệu lực và công bằng” luôn là một vấn đề nan giải. Các nguyên nhân dẫn đến mất rừng và suy thoái rừng thường rất phức tạp, và có thể là một phần của các mạng lưới xen lẽ các lợi ích về kinh tế và chính trị. Cách tiếp cận đối với giảm phát thải từ mất rừng và suy thoái rừng có thể luôn là vấn đề gây tranh cãi trong bối cảnh các quốc gia đều đang thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế hiện hữu của mình.

Ảnh hưởng của REDD+ đến sinh kế cũng như tình hình sử dụng đất rừng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả của cơ chế REDD+. Việc đảm bảo PFES cũng như REDD+ hoạt động hiệu quả thì hạn chế nguyên nhân mất rừng chính là điều kiện tiên quyết. Nhiều nghiên cứu cho thấy nguyên nhân gây ra mất rừng và suy thoái rừng rất đa dạng, điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn tại của REDD+ tại Việt Nam.

Lâm nghiệp đóng vai trò quan trọng trong thực hiện mục tiêu cam kết giảm phát thải của Việt Nam, có tiềm năng cao trong giảm phát thải và hấp thụ các-bon. Vì vậy, nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến việc thay đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp góp phần quan trọng tìm ra các nguyên nhân gây ra mất rừng, từ đó có các chính sách lồng ghép giữa việc sử dụng đất gắn với sinh kế bền vững. Tạo ra thu nhập ổn định cho người dân dựa vào rừng sẽ góp phần quan trọng phát triển rừng bền vững của Việt Nam. Đặc biệt, việc tính toán lượng phát thải các-bon cho mỗi loại hình rừng sẽ là cơ sở giúp địa phương tính toán được tiềm năng xây dựng thị trường tín chỉ các-bon trong tương lai.

Mục tiêu dự án:

Mục tiêu chung: Nghiên cứu đánh giá thực trạng sử dụng đất của hộ gia đình trong quá trình thực hiện chương trình REDD+ đồng thời tính toán lượng hấp thụ và phát thải các bon dựa theo kịch bản sử dụng đất của huyện Krong Năng từ đó đề xuất các giải pháp lồng ghép chương trình REDD+ vào phát triển rừng bền vững của tỉnh Đăk Lắk

“Nghiên cứu này được tiến hành trong khuôn khổ đề tài QG 22.79. Tên đề tài “Lồng ghép chương trình giảm phát thải từ nỗ lực giảm phá rừng và suy thoái rừng (REDD+) trong quản lý và bảo vệ bền vững rừng tại Việt Nam” của ĐHQGHN

Mục tiêu cụ thể:

• Xác định được thực trạng và các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định sử dụng đất của hộ gia đình và tình hình thực hiện chương trình REDD+ tại huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk;
• Tính toán được tiềm năng phát thải các bon dựa theo xu hướng biến động hiện trạng thảm thực vật trong 5 năm từ 2015-2020, đề xuất hướng tăng hấp thụ các-bon trong tương lai dựa trên kịch bản thay đổi sử dụng đất giai đoạn 2020-2030;
• Đề xuất được một số giải pháp lồng ghép chương trình REDD+ và phát triển rừng bền vững tại huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk.